Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

NHẠC SĨ TÔ HẢI VÀ TÁC PHẨM: “HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN”

Tập Hồi Ký này tôi viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010”. Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết! Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn rụt rè, vẫn lấp lửng mới biết mình vẫn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải.
NHẠC SĨ TÔ HẢI VÀ TÁC PHẨM
“HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN”
__________________________________
VÌ SAO TÔI VIẾT HỒI KÝ?
˜ TÔ HẢI
K
hi bắt tay vào viết hồi ký, ấy là lúc mọi khát vọng sáng tạo đã cạn, mọi ham mê, hoài bão đã tắt, và thần chết đã cầm lưỡi hái hiện trước cửa sổ... ”
Câu mở đầu đó, nếu tôi không nhầm, là của George Sand mà tôi đã đọc, đã thương cảm và đã tự nhủ rằng rồi đây chính mình cũng sẽ phải để lại cho đời ít dòng nói thật khi bước vào tuổi 70, nếu như cái chết lãng nhách không đến bất chợt!
Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong “tội ác diệt văn hóa” của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian dài trên nửa thế kỷ nhờ những chứng liệu được ghi trong hồi ký của một kẻ từng làm thứ văn nghệ gọi là “vì Đảng vì dân” trong suốt đời mình.
Hãy nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam mà xem.
Một lỗ hổng lớn!
Đúng vậy! Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam —một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại — ít ỏi đến thế?
Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán...và chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học? Vậy mà suốt thời kỳ đất nước nằm dưới “sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” của những tên “xuất thân thành phần cơ bản”, trình độ học thức ở mức “đánh vần được chữ quốc ngữ”, các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn được nhà cầm quyền trao tặng “Giải thưởng Nhà Nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và đủ thứ bằng khen giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tường phòng khách!
Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy giờ ra sao?
Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.
Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ, trong thực tế, còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin, Mao Trạch Đông… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!” Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình! Cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các “tác phẩm” tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm! Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.
Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp người ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh” trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác. Để nhắc đến những tác phẩm của tôi, tôi chỉ đồng ý lên một chương trình do chính tôi soạn thảo và đặt tên. Nó gồm những tiếng nói của trái tim bị cấm đoán, bị lên án, thậm chí bị trù dập suốt nửa thế kỷ.
Sau hết, dựa vào thời cơ “Đổi Mới”, nhờ những bạn bè đồng tình với tôi và còn giữ được một số quyền hành cuối cùng trước khi về hưu, chương trình Nửa Trái Tim Tôi của Tô Hải đã ra mắt trọn một tiếng đồng hồ với toàn những “tác phẩm bỏ tủ lạnh”, với những lời tuyên bố gây “sốc” mạnh trong giới làm nhạc ăn lương.
Những đồng nghiệp thực sự có tài và có tâm sự giống tôi thì hài lòng. Số này, khi trả lời phỏng vấn, cũng chỉ dám nhận một cách khiêm tốn con số ít ỏi những gì mình làm ra xứng đáng được gọi là tác phẩm.
Còn số khác, những “nhạc sĩ” bám chặt thành tích 500, 1000 bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, động viên con em ra chiến trường hiện còn tiếp tục lải nhải kể công với Đảng để xin “tí tiền còm” nhân danh giải này giải nọ thì tự ái, nổi khùng, gọi tôi là “tên phản động”.
Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh truyền hình, tôi luôn nhắc lại nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim”! Nhưng trái tim của tôi, hỡi ôi, gần một thế kỷ qua lại không đập vì...tôi! Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.
May thay, thời thế rồi cũng đổi thay.
Liên Xô, “quê hương của cách mạng vô sản toàn thế giới”, “ngọn đuốc soi đường cho nhân loại” sụp đổ cái rụp. Thần tượng Marx, Lénine, Stalin gần 70 năm được tôn thờ hơn cả Chúa Trời bị đập tan!
Đọc hồi ký, di bút của các văn nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đại như Beethoven, Modigliani, Rubinstein, Stravinsky, Litz... hay của các nhà chính trị như De Gaulle, Khrutchev, Nixon ... càng thấy cái cao thượng của họ bao nhiêu càng thấy cái bẩn thỉu, thấp hèn của các nhà “chính chọe” (politicaillerie) bấy nhiêu.
Biết bao tên tuổi lớn đã chịu sự hắt hủi, lên án, thậm chí săn đuổi, cách ly của một thể chế, của tập đoàn nắm quyền lực, kể cả bị lên án là “phản bội” đã để lại cho chúng ta các tác phẩm ghi lại những gì họ suy ngẫm qua những trải nghiệm trong cuộc đời, những buồn đau, khổ cực, những chịu đựng ghê gớm cả về vật chất lẫn tinh thần để tồn tại, để tìm tòi và sáng tạo.
Trong khi đó, hồi ký của các “lãnh tụ cách mạng” chỉ là những cuốn sách viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích (chống chế thì đúng hơn) cho những hành động sai lầm, đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm. Vậy thì, tôi, Tô Hải, một cái tên được nhiều người biết ở cái thời “âm nhạc phục vụ công nông binh”, ở cái thời mà âm nhạc, nếu không làm đúng yêu cầu của Đảng sẽ lập tức bị bọn “quan văn nghệ” lên án là “mất lập trường”, là “cá nhân tiểu tư sản”, thậm chí là “âm nhạc phản động”, có gì để mà hồi với ký?
Bánh xe lịch sử quay với tốc độ kinh hoàng đã cuốn phăng những “tác phẩm”, và cả những tác giả của chúng từng đoạt giải thưởng này huân chương nọ — lại than ôi, có cả tôi trong đó!
Lẽ công bằng chậm chạp cho đến nay đã phục hồi một cách rụt rè (không cần một quyết định hành chính nào hết) những tác phẩm và những tác giả một thời bị đoạ đầy, bị cấm đoán. Cuộc Đổi Mới — thực tế là trở lại như cũ — với các quan niệm về cái đẹp đã cho những “tên tuổi lớn” một thời trong mọi lãnh vực quân sự, chính trị, văn học, nghệ thuật những cái tát tỉnh người!
Trong “cơn đau cuối đời”, một số cựu uỷ viên trung ương đảng không còn chỗ ngồi ghé trong các ban chấp hành mới, mấy ông tướng bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước hoặc bị khai trừ khỏi đảng vì bất tuân thượng lệnh, đã tỉnh ngộ. Kinh nghiệm một đời theo Đảng đã cho họ cái để viết nên những trang “sám hối” có phần nào giá trị. Họ phải trả giá cho sự dám nhìn lại cuộc đời bằng con mắt khách quan và tỉnh táo bằng sự trừng trị tương đối nhẹ nhàng so với người đối kháng khác: bị giam lỏng tại nhà, bị cắt điện thoại, tịch thu computer...
Trong khi đó — tôi xin nhắc lại — mấy anh văn nghệ sĩ mơ ngủ vẫn xúm đen xúm đỏ chen lấn nhau để giành bằng được mấy cái giải thưởng cho những tác phẩm mà con cháu ngày nay chẳng còn coi là cái giống gì. Ấy là chưa kể những kẻ chẳng bao giờ góp mặt trong nền văn nghệ, kể cả văn nghệ “phục vụ cách mạng”, nhân dịp này dịp khác cũng được nhà nước vô sản hào phóng ban thưởng về “sáng tác”!
Một bức tranh cười ra nước mắt.
Riêng tôi, khi chẳng còn lao động nghệ thuật được nữa (đúng hơn là không còn muốn lao động nghệ thuật nữa) bỗng dưng lại được cái Nhà Nước công nông binh tặng cho cái “Huân Chương Lao Động Hạng Nhất”.
Và khi không còn sáng tác nữa (đúng ra là không muốn sáng tác nữa) lại được người ta treo lên cổ cái mề-đay “Giải thưởng Nhà Nước”! Sướng chưa?
Tội nghiệp cho mấy anh Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc, Lê Yên, Vũ Trọng Hối, Trần Ngọc Xương... chẳng còn sống ở trên đời để mà hưởng cái “Giải thưởng Nhà Nước” nọ. Nói thêm chút cho vui: Cái giải thưởng này quy ra tiền cũng được gần bằng một phần mười giải thưởng tặng cho hoa hậu đấy. Mà để làm hoa hậu thì cần quái gì phải có học.
Bi kịch hay hài kịch đây?
Dù sao cái giải thưởng đáng giá hai năm lương hưu của tôi cũng là món tiền thêm vào cho hai năm tôi ngồi viết những trang tiếc nuối cuộc đời mà các bạn đang cầm trong tay. Không có nó tôi đành ôm cả núi ân hận mà về với đất. Vì không có nó thì lấy gì ăn để mà viết? Cho nên tôi cũng thấy cần ghi lại ở đây “lời tri ân” đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi viết nên những dòng hồi ký này.
Thế là, với sức tàn còn lại, tôi bắt đầu...
Những hình ảnh đầu tiên đến với tôi rõ nét nhất chính là những thời gian, không gian, sự kiện và những con người đã mang lại cho tôi những cảm xúc, những niềm vui và nỗi buồn.
Trong đầu tôi tràn ngập hồi ức đòi được thoát ra.
Vì thế trong khi viết, tôi luôn phải cố gắng sao cho khỏi lạc “chủ đề tư tưởng” (cách nói méo mó trong ngôn từ văn nghệ cộng sản). Và trước hết, tôi phải đè bẹp được sự “hèn nhát” trong tôi là cái đã bén rễ sâu chặt do thời gian quá dài sống trong lồng kín, cách ly bầu trời tự do.
Tôi sẽ viết để bạn bè, con cháu hiểu và thông cảm nỗi đau của những người cả cuộc đời phải sống và làm việc với cái đầu và trái tim của tên nô lệ.
Tôi tình nguyện làm một trong những người vạch trần những bộ mặt chính trị dỏm, văn nghệ dỏm, những tên cơ hội, đã cản trở, giết chết tác phẩm, đẩy những tài năng vào hố sâu quên lãng.
Đáng buồn là những chuyện được giấu kín đó, tôi đều được biết, thậm chí còn được tham dự các kế hoạch hại người (được gọi là kiểm điểm, học tập, thu hoạch... ) ngay từ khi chúng mới được phác hoạ, trong suốt quá trình tôi ở cương vị cấp uỷ, lãnh đạo chỉ đạo nghệ thuật.
Để bảo vệ chỗ đứng của mình, tôi đã không dám cãi lại những lời chửi rủa bố tôi là đồ “phản động”, mẹ tôi là “Việt gian”, họ hàng nhà tôi là “tay sai đế quốc”!
Vậy thì làm sao tôi dám bảo vệ cho một Đoàn Phú Tứ là không phản bội, một Phạm Duy là không phải “dinh tê” chỉ vì không chịu được gian khổ”?
Tôi đã chọn con đường cúi đầu nín lặng mặc dù tôi biết rõ nguyên nhân vì sao ông cậu Đoàn Phú Tứ của tôi phải về Thành, biết rõ không ai không sợ chết mà lại dám một mình vác đàn, nhịn đói vượt U Bò, Ba Rền vào chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt nhất để viết nên Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung như Phạm Duy. Tôi đã là thế đấy. Những âm mưu hạ tiện đó, tôi không phải không biết. Trái lại, tôi hiểu ra ngay từ lúc chúng mới được bàn bạc trong “nội bộ”. Lòng tôi chống lại thủ đoạn hại người, nhưng miệng tôi lại không dám nói ra.
Nỗi bất bình bị dồn nén ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời. Dần dà, nó biến tôi thành một núi mâu thuẫn. Mặc dầu tôi tự nguyện dồn nén, miệng núi lửa kia thỉnh thoảng lại bục ra. Những phản ứng không kìm được xảy ra ngày một nhiều và được các công bộc mẫn cán của Đảng ghi lại bằng giấy trắng mực đen trong lý lịch đảng viên của tôi, kèm theo nhận xét “không có ý thức bảo vệ Đảng”, “hay phát ngôn vô trách nhiệm”. Tôi mang tội “không có ý thức bảo vệ Đảng” chẳng qua vì tôi không chịu bảo vệ Đảng và những đảng viên có chức có quyền làm những điều sai trái.
Ngay cả với trưởng ban Tổ Chức Trung Ương Lê Đức Thọ ( ) quyền sinh quyền sát là thế mà tôi cũng có lần nói thẳng mặt: “Tại sao khi những người nhân danh Đảng làm bậy, chúng tôi phê phán họ thì lại bị ghép vào tội chống Đảng, chống chủ nghĩa cộng sản? Tại sao lẽ phải bao giờ cũng thuộc về họ, mặc dầu họ không có một xu kiến thức để đối thoại với chúng tôi?”
Đó là một trong những “cú liều” đem lại cho tôi nhiều thiệt thòi, cay đắng. Với những “cú liều” này, bạn bè bảo: “Tô Hải là thằng “có bản lãnh”. Những người cùng nghĩ như tôi nhưng biết giữ mồm giữ miệng thì khoái lắm, vì đã có Tô Hải nói thay! Số còn chức còn quyền nhưng không đến nỗi tồi tệ quá thì cố tìm cách “hãm phanh” tôi lại để các “anh trên” đỡ vì đau đầu mà phạng lung tung. Còn tôi, ở cái tuổi ngoài 70, chẳng còn gì để mất, lại được sự cổ vũ của số lớn bạn bè, tôi cứ “nổ” khi có điều kiện.
Cũng có người cho rằng tôi “dại” có cỡ, có kẻ nhắc là “cẩn thận kẻo vào tù!” Nhưng tôi đã quyết: 55 năm miệng bị lắp khoá kéo, nay đã già, đã về hưu, có chia xẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng còn phải e ngại các lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì.
Còn về Đảng ư? Tôi đã cóc cần nó từ khuya rồi và hết sức vinh dự được trở lại hàng ngũ nhân dân đang bị một nhóm người bắt sống cuộc sống trại lính, ăn gì, mặc gì, xem gì, đọc gì, thậm chí chết kiểu gì cũng đều do họ quy định và cho phép!
Tôi đã nói và sẽ nói, nói tất, nói với bạn bè, với người thân, với con cháu, chắt, chút, chít những gì mà bộ não ông già 70 còn ghi nhớ được về cái thời tưởng mình là một cánh đại bàng bay bổng giữa trời.
Nhưng, than ôi! Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “con đại bàng... cánh cụt”, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông.
Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức.
Biết đâu chẳng có ngày đất nước này hoàn toàn “đổi mới” thật sự, hồi ký này sẽ được in ra để làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam. Và, may ra, lạy trời, những “đại bàng cánh cụt” chúng tôi sẽ được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử.
Nhưng, “vừa là tội đồ vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.
Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer.
Tôi bắt đầu...
ĐÔI ĐIỀU PHI LỘ VIẾT... SAU CÙNG
Tập Hồi Ký này tôi viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010”.
Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!
Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn rụt rè, vẫn lấp lửng mới biết mình vẫn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.
Tôi thấy cần phải sửa lại cuốn sách — từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử — và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.
Và tôi viết thêm chương TÔI ĐÃ HẾT HÈN!
Nhưng đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện người đọc? Vẫn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là “Tôi đã hết hèn”, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi! Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!
Đặc biệt, ba bốn năm gần đây tôi may mắn có điều kiện làm quen với Internet, nhờ đó được tiếp cận với rất nhiều người mà tôi vô cùng cảm phục. Dù đang sống ở trong nước, họ không hề sợ hãi trước đàn áp, ngục tù. Đó là những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu. Bùi Minh Quốc. Đó là những Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... Đó là những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ “quốc doanh”, và nhiều, rất nhiều người khác nữa!
Cũng không thể không nói đến ảnh hưởng của hàng chục website cổ võ dân chủ trên khắp thế giới, cũng như những gì bạn bè tôi, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên phải bỏ nước, bỏ cả vợ con ra đi để được viết lên Sự Thật, mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi.
Không có những cái đó thì nhân dân còn tiếp tục bị lừa dối bởi lũ bồi bút cho đến nay vẫn ra rả ca tụng một chủ nghĩa đã lỗi thời với cả nhân loại.
Tôi cũng mong sao mỗi người trong số các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một “bản di chúc” nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa. Được như Ba Người Khác của Tô Hoài cũng đã là tốt, làm được thế thì người viết cũng có thể được nhân dân “xá tội” cho phần nào.
Người đọc đang chờ xem “di cảo” của một Chế Lan Viên, một Nguyễn Đình Thi — hai nhân vật đứng đầu bầy nô lệ cầm bút. Đáng ngạc nhiên là theo Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi) thì cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Thi sẽ chỉ được phép công bố vào năm... 2014?!
Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch mãi sao? Hay chính tác giả cuốn hồi ký doạ sẽ in năm 2014 vẫn còn chưa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?
Tôi sẽ phải đưa vào chương sẽ viết những nhận thức mới, tình cảm mới, những sự kiện bổ sung dưới ánh sáng mới, một chương gần như tóm tắt tất cả những gì tôi đã viết vào lúc chưa có được sự tiếp xúc và tiếp sức của phong trào đòi tự do, dân chủ, đòi quyền con người đang ào ào dâng lên mỗi giờ, mỗi ngày trong cái xã hội độc tài đảng trị đáng nguyền rủa.
Viết xong chương bổ sung cần thiết, tôi sẽ công bố cuốn hồi ký của đời mình trên mạng Internet toàn cầu để mọi người nếu đã biết rồi sẽ biết thêm về mặt trái với những góc khuất của một xã hội tồi tệ được sơn son thếp vàng bởi một lũ bồi bút hèn hạ, trong đó, than ôi, có cả bàn tay của kẻ viết những dòng này.
Tại sao lại phải công bố trên Internet?
Bởi vì không thể trông chờ sự xuất hiện của một nhà xuất bản tư nhân nhờ “ơn trên” nào đó sẽ ra đời trong một cuộc đổi mới giả hiệu, và tập hồi ký này sẽ được in. Trong cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn độc tài với tự do tư tưởng, với nhân quyền tối thiểu, chuyện đó quyết không thể xảy ra.
Thật tình, tôi những ước mong lời nhắn gửi của tôi sẽ đến tay đồng bào, bè bạn, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi, những thế hệ sau tôi, kể cả “kẻ thù” của tôi nữa, trong dạng một cuốn sách bằng giấy trắng mực đen hơn là một cuốn sách trên màn hình máy tính. Mạng thông tin toàn cầu cho tới nay vẫn còn là một cái gì xa lạ với tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả nhiều người gọi là có học nhưng đã về già, không còn sức để đọc mấy trăm trang trên computer!
Cuối cùng, xin người đọc, nhất là các bậc thức giả, hãy lượng thứ cho những thiếu sót, những nhầm lẫn ở chỗ này chỗ khác về tên tuổi, địa danh, ngày, tháng... mà một cây bút “trẻ” ở tuổi 80, tài vốn hèn, sức đã kiệt, có thể mắc phải.
Sài Gòn ngày 1 tháng 5 năm 2007
˜ TÔ HẢIBài do niên trưởng Nguyễn Hữu Hùng chuyển

Lời tựa “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”

Lê Phú Khải (*)



Bộ đội Tô Đình HảiNguồn: luyenkim.net
Đọc Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của nhạc sĩ Tô Hải, tôi bất giác nhớ đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông là một trí thức Việt kiều, rất hăng hái hoạt động trong phong trào mác-xít, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, đã tình nguyện về nước để tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hăng hái là thế, mà ở tuổi ngoài tám mươi, khi làm bản tổng kết đời mình, ông đã phải thốt lên: “Đời tôi là đời một thằng ngây thơ”. Trong hai chữ “thơ” và chữ “ngây”, tôi xin giữ lại cho mình chữ “thơ” vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ “ngây” để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!”Nguyễn Khắc Viện tự đánh giá như thế là khách quan, là công bằng. Cần phải tách bạch hai chuyện ‒cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cái gọi là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Một đàng là hành động theo lương tâm, một đàng là hành động theo lý thuyết được người khác khuyến dụ, và cả ép buộc nữa.Tô Hải và Nguyễn Khắc Viện ‒ hai con người, hai số phận, cả hai đều được Nhà Nước Cộng Sản tặng nhiều huân chương “cao quý”, nhưng cái tương đồng giữa hai người là ở chỗ họ đều thiết tha yêu nước, nhưng không thể yêu xã hội chủ nghĩa. Cậu học trò Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Đoàn ngay từ những ngày đầu cách mạng. Là người yêu nhạc bẩm sinh, Tô Hải khởi đầu cuộc đời nghệ thuật của mình bằng các ca khúc vui nhộn theo các điệu swing, rumba ‒ thứ nhạc bị coi là phi vô sản ‒ để giúp đồng đội quên đi những thiếu thốn, gian khổ trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân xâm lược. Lúc ấy người ta rộng lượng tha cho Tô Hải cái tội làm nhạc theo cách của bọn đế quốc, tội ấy để đấy cái đã, tính sau. Cuộc đời binh nghiệp của Tô Hải có đủ niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và tủi nhục, được ông trung thực ghi lại trong cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay. Nó là cuốn sách cần cho những ai muốn biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực. Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những mộng mị được sơn phết vàng son. Tôi có cái duyên được làm bạn với tác giả cuốn sách. Là người hâm mộ nhạc sĩ Tô Hải, lại là học trò của ông (ông là thầy dạy tôi tiếng Pháp), nên mỗi lần có hội hè, tết nhất, bạn bè, đồng ngũ, đồng khóa Lục Quân Trần Quốc Tuấn tụ tập ở nhà ông, tôi thường được hân hạnh cùng dự. Những cuộc gặp mặt như thế thật cảm động. Những người lính của một thời kháng chiến đã trôi xa vui mừng gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại các kỷ niệm chung. Tô Hải và các bạn ông đã là những ông lão, nhưng nhìn họ ngồi bên nhau, say sưa hát vang những bài ca chiến đấu cũ, những bản tình ca không thể nào quên của Tô Hải, tôi vẫn thấy trong họ bóng dáng của những chàng trai một thuở “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.Không khí trầm hẳn xuống khi những chiến sĩ năm xưa đụng đến thời cuộc hôm nay. Đâu rồi, cái thời những con người hết lòng xả thân vì nghĩa lớn? Đâu rồi tình đồng chí, đồng đội tử sinh không rời? Tất cả những cái đó đã có, nhưng tưởng chừng không có. Như thể một giấc mơ.Cái “chủ nghĩa xã hội đáng phải vứt đi” như Nguyễn Khắc Viện nói, đã dần dần, từng chút một để không ai nhận thấy, được bàn tay phù thuỷ dựng lên thành bức bình phong che giấu những gì bẩn thỉu nhất mà lịch sử từng biết, trong sự tước đoạt tất cả thành quả máu xương của bao chiến sĩ, đồng bào đã đổ ra. Những người ngồi đây, trước mắt tôi, là chứng nhân cuối cùng còn sống. Một trong những chứng nhân ấy là Nguyễn Khải, đại tá nhà văn, giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước khi chết ông đã gửi lại lời trối của kẻ lạc đường trong mấy câu: “Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!”Có thể nói không ngoa rằng Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là cuốn biên niên sử ghi lại quá trình từng bước, từng bước, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ bị tước đoạt đi cái quý giá nhất đối với con người là Tự Do. Là chứng nhân của lịch sử, Tô Hải ghi lại trung thực, sống động cả một quá trình nhào nặn, đấu tố, cưỡng bức tư tưởng để biến văn học nghệ thuật thành “vũ khí đấu tranh” của Đảng, cho Đảng, vì Đảng. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là những trang viết bằng máu và nước mắt ghi lại tỉ mỉ tấn bi kịch của chính tác giả và bạn bè ông, nay kẻ còn, người mất, để mọi người được biết họ đã phải sống như thế nào, phải… “hèn nhát” ra sao chỉ cốt để tồn tại.Trong hồi ký của ông có biết bao gương mặt tiêu biểu cho một nền văn nghệ cổ vũ cho bạo lực, cho chém giết. Ông đau lòng kêu lên: “Biến cả dân tộc vốn hiền hòa thành một sa mạc vô cảm. Một đất nước mà tất cả đàn ông trai tráng đều đi làm nghĩa vụ quân sự không những trong nước mà còn ở…cả quốc tế vì…“lịch sử đã chọn ta làm điểm tựa”! (Tố Hữu ‒ [sic!]) Ở hậu phương chỉ còn những em bé mà mới lên năm đã bình thản…cắt tiết gà, và phụ nữ “ba đảm đang” phải sắn quần lợp mái nhà, chọc tiết lợn…Ông không ngu để không nhận thấy ông và những người như ông, nói rộng ra là tất cả văn nghệ sĩ thuộc mọi ngành, muốn tồn tại đều bắt buộc phải làm nô bộc cho đảng cầm quyền. Là người được kết nạp vào đảng cộng sản rất sớm (1949), ông đã nhận ra rằng “Chưa bao giờ ở nước này có chủ nghĩa cộng sản cả!”, kể cả chủ nghĩa cộng sản trong lý thuyết kinh điển. Tất cả đều chỉ là sự lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để củng cố địa vị ăn trên ngồi trốc cho một nhóm người thậm chí chẳng đọc nổi và cũng chẳng hiểu nổi những lý luận xét cho cùng là rất tào lao của mấy ông Tây cuối thế kỷ thứ 19. Và, trải qua những đại bi kịch được đảng cộng sản luôn say máu đấu tranh tạo ra như Cải Cách Ruộng Đất, Chỉnh Đảng Chỉnh Quân, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng, Cải Tạo Tư Sản, Cải Tạo Công Thương Nghiệp… Tô Hải đã thấy đàng sau nó thực sự là cái gì. Nó chẳng phải cái gì khác ngoài mưu đồ của một lũ cơ hội chuyên nghề lừa bịp, trấn áp nhằm chiếm bằng được quyền cai trị đất nước. Tất cả những thủ đoạn đó được lôi ra ánh sáng bằng ngòi bút trung thực. Ông không che giấu những việc đáng xấu hổ khi tả lại cảnh phải đóng vai “đại hèn” để vợ con có miếng ăn, không bị cắt sổ gạo, bị đuổi khỏi biên chế hay tệ hại hơn nữa, bị đi cải tạo, vào tù. Ông thẳng thắn chỉ ra những bộ mặt cơ hội trong giới văn nghệ sĩ đã nhẫn tâm bước qua xác đồng nghiệp để kiếm chút đỉnh chung.Ông không ngần ngại nói về những công việc được gọi là “văn nghệ phục vụ giai cấp vô sản”, trong đó có ông tham gia, cho thấy những tác phẩm được tạo ra trong một nền văn nghệ như thế chỉ là “một mớ táp nham không có một chút giá trị nghệ thuật”.Nhìn thấu tâm can của những tên cơ hội cách mạng, và cả tính phi nhân của chính cuộc cách mạng gọi là xã hội chủ nghĩa nữa, Tô Hải quyết tìm cách thoát khỏi mọi ràng buộc với cái Đảng quyền lực vô song, quyết không chịu ép mình “sáng tác theo yêu cầu của Đảng” thêm nữa.Giữa lúc những “cán bộ cách mạng” lăn xả vào cuộc đại kiếm chác sau ngày đất nước thống nhất, ông bỏ về hưu non, sống cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng giữ lương tâm trong sạch. Vì hai tiếng TỰ DO, tác giả Nụ Cười Sơn Cước, giao hưởng hợp xướng Tiếng Hát Biên Thùy sẵn sàng đánh đổi tất cả. Thế hệ sinh viên Hà Nội chúng tôi vào thập niên 1960, những Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Lê Phú Khải... đều biết Tô Hải. Chúng tôi từng đứng trong các dàn hợp xướng sinh viên, cất cao lời ca gìn giữ biên cương của tổ quốc với niềm vui và niềm phấn khởi vô bờ. Tiếng Hát Biên Thuỳ và Trở Lại Đô Thành (từng bị cấm) và nhiều tác phẩm khác của Tô Hải ngày nay ít người biết đến, chúng chỉ còn lại như những kỷ niệm nằm chung với rất nhiều tác phẩm sáng tác sau này của Tô Hải, mà ông cay đắng gọi chúng là những sáng tác “bỏ tủ lạnh”. Mà đâu phải chỉ có mình Tô Hải. Còn biết bao nhiêu nhân tài của đất nước cũng đã bị vùi dập như thế?Khi gặp ông ở một xóm nhỏ Nha Trang, tôi mới biết ông đang làm gì. Thì ra ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn hồi ký mà ông ấp ủ nhiều năm. Ông viết trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ, phải chống nạng đi trong nhà, cuộc sống của cả gia đình trông vào chiếc xe bánh mì ở đầu đường của người vợ rất mực thương yêu chồng, chia sẻ hoài bão của chồng… Ông kì cạch viết mỗi ngày một vài trang, viết rồi xóa, xóa rồi lại viết vì… như ông thú nhận: cái nỗi Hèn vẫn cứ ám ảnh ông không thôi! Là người cũng sống nhiều năm trong xã hội chuyên chế, tôi hiểu: vượt qua nỗi Hèn chẳng hề là chuyện dễ.
Đại hợp xướng Tiếng hát biên thuỳ của Tô Hải. Đây là bản hợp xướng bị “bỏ tủ lạnh” cả nửa thế kỷ, khi mà biên cương giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa đang được người ta ca ngợi là... “núi liền núi sông liền sông ..chung một biển Đông. Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...” hoặc “Bác Mao nào ở đâu xa/Bác Hồ ta đó chính là...Bác Mao”Nguồn: luyenkim.net
Mười năm ròng, mỗi ngày một ít, vừa viết vừa phải đấu tranh kịch liệt cái Sợ, cái Hèn để có thể viết đúng, viết thực, không nhân nhượng với cái gì, kể cả bản thân, cuối cùng ông đã hoàn thành cuốn hồi ký chỉ với mục đích “để lại cho con cháu và đời sau biết về nhiều sự thật bị giấu kín, mà điều cay đắng nhất là để mọi người hiểu được Vì Đâu? Vì Ai? Vì Cái Gì?”Tô Hải không đặt cho mình mục đích lên án cái chủ nghĩa Mác-Lê đã bị lịch sử chôn vùi, đã bị toàn thế giới lên án, và cái đảng đã đưa đất nước tới tình trạng hôm nay ‒ một nước chậm tiến, nghèo khổ, lạc hậu hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Ông viết ra những suy ngẫm của mình, kêu gọi mọi người cùng suy ngẫm với ông, về hiện tình đất nước, về một nền văn nghệ không còn bản sắc, đến nỗi một nửa thế kỷ qua chẳng có một tác phẩm xứng đáng được xếp vào di sản văn hoá dân tộc, xứng đáng để đời sau con cháu tự hào. Ông không chối bỏ tư cách “vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ”, ông nhận ông là kẻ có tội vì chính ông cũng đã tham gia vào cuộc lừa bịp vĩ đại. Qua hồi ký của ông, ta thấy quả thật, đời ông quá nhiều cay đắng. Nhưng, cũng với cuốn hồi ký này ông sẽ được đền bù ‒ những người đọc ông sẽ hiểu ông và yêu mến ông. Mà có hạnh phúc nào lớn hơn thế đối với một con người đau khổ.Ông là trí thức đúng nghĩa vì đã vượt qua chính mình, cái mình bị nhào nặn bởi bàn tay kẻ khác, để công bố tất cả, không phải chỉ những gì là Tội Ác của kẻ khác mà cả cái Hèn của chính mình. Việc làm đó, ngay khi ông còn sống trong lòng chế độ chuyên chế, là việc làm dũng cảm, nếu không muốn gọi là anh hùng. Bằng việc làm này, ông đã vượt xa những kẻ cũng mang danh trí thức, cũng gọi là nhà văn, nhưng suốt đời chẳng dám viết một cái gì theo tiếng gọi của trái tim mình. Gần đây, tôi lại càng ngạc nhiên khi biết Tô Hải trở thành blogger ở tuổi 80 với những bài viết được lớp trẻ đón nhận chưa từng thấy (200.000 người đọc trong vòng 18 tháng). Tôi càng khâm phục khi ở tuổi 81, ông đã cùng sinh viên, thanh niên xuống đường đi biểu tình phản đối bọn xâm lược Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ quốc Việt Nam. Đi biểu tình về đến nhà, ông ngồi xuống viết ngay một entry “Tớ đi tụ tập đông người không có phép” được hơn 20 báo điện tử và đài phát thanh nước ngoài phát lại.

Nhạc sĩ Tô Hải và những phút biểu tình ngắn.. 16/12/2007 tại Sài Gòn
http://www.youtube.com/watch?v=NJ_XcKqjh9A&eurl=

Tập hồi ký này không phải chỉ để cho các thế hệ sau này, mà cho cả chúng ta nữa, hiểu rõ thêm những trang lịch sử đau buồn đã nhiều năm bị che giấu. Hi vọng trong một tương lai gần, nền văn nghệ Việt Nam sẽ vứt bỏ được cái quá khứ đáng nguyền rủa ở thế kỷ trước để bước vào con đường sáng sủa, con đường của Chân, Thiện, Mỹ, con đường của Tự Do, như Tô Hải hằng mơ ước.

Không có nhận xét nào: