Theo Tạp Chí Cộng Sản số tháng 1-2007 “Ngay từ buổi đầu được thành lập và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Nhà nước ta đã mang những yếu tố của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ và phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Nhà nước đã từng bước thực hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.” Trên Báo Điện đảng CSVN, 4-02-2009, Nguyễn Viết Thực, Ban Dân vận Trung Ương nói về nhà nước pháp quyền: “Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và thể hiện địa vị tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước, cán bộ công chức nhà nước và các thành viên khác của xã hội phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh tự giác. Nhà nước phải quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Mọi vi phạm pháp luật phải được pháp luật xử lý nghiêm minh, kịp thời, thực hiện nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật.”
Những trích dẫn trên cho thấy, ít nhất về mặt lý thuyết, CSVN cũng hiểu rõ ý nghĩa của nhà nước Pháp Quyền không khác gì mấy các xứ văn minh dân chủ. Thực thế khái niệm về nhà nước pháp quyền như trên (rule of law) có giá trị phổ quát, được đồng thuận rộng rãi trong thế giới dân chủ văn minh mà CSVN đang muốn hội nhập.
Nhưng trên thực tế hiện nay ở VN, nhất là sau khi tấm màn bưng bít thông tin của chế độ đã bị chọc thủng khá nhiều, những tin tức về việc công an đã xử dụng luật rừng đối với người dân bất đồng với mình, được lọt ra ngoài trên mạng thông tin toàn cầu gần như hàng tuần, khiến người ta càng thấm thía câu nói để đời của cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”.
Lý giải ra sao sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế trên?
“Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”
Giả thiết thứ nhất, Đảng CSVN không bao giờ nghĩ rằng Đảng bịp bợm cho đồng bào ăn bánh vẽ, và thành thật tin rằng Đảng và Nhà Nước đang thi hành pháp luật nghiêm minh đối với những thành phần thực sự vi phạm luật pháp của nhà nước Pháp Quyền XHCN. Nếu quả thật như thế, thì Đảng đang thành thật hoang tưởng rằng Đảng CS của 2,3 triệu đảng viên, cũng là của tất cả nhân dân cả nước, là đồng nghĩa với nhân dân, dân tộc, tổ quốc. Nên có thể thay những chữ “nhân dân”, “dân tộc” bằng chữ “đảng” trong đoạn văn trích Từ Tạp Chí CS ở trên, để ngộ ra thực tế là: … Nhà Nước Ta đã mang những yếu tố của Nhà Nước Pháp Quyền của Đảng, do Đảng và vì Đảng, gắn bó chặt chẽ và phục vụ lợi ích của Đảng…. Và ta cũng có thể quảng diễn thêm câu của Nguyễn Viết Thức ở trên: Nhà Nước Pháp Quyền XHCN... .phải thể hiện địa vị tối cao của Hiến Pháp... .Mọi vi phạm pháp luật phải được pháp luật xử lý nghiêm minh….thực hiện nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật, nhưng dưới chân Đảng (vì điều 4 Hiến Pháp cho phép Đảng ngồi trên tất cả). Nếu thành thật tin tưởng điều trên đây là đúng đắn, Đảng CSVN sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao người dân lại không thấy quyền của mình ở đâu đằng sau luật pháp nhà nước. Tại sao người dân lại không chịu tự giác tuân thủ pháp luật, mà cứ tìm cách luồn lách. Cho đến khi gặp bạo lực cưỡng chế pháp trị (rule by law) không lách nổi nữa mới thôi, và những thành phần bất tuân phục nhà nước đều bị coi là những thành phần phản động cần bị tiêu diệt, theo đúng lý tưởng chủ thuyết CS.
Giả thiết thứ hai, Đảng biết mình làm sai, không đúng với lý thuyết tốt đẹp, nhưng vẫn cứ nhất định gian dối đồng hóa mình với nhân dân dân tộc là một để hành xử như giả thiết trên, nhằm bảo vệ quyền lợi phe nhóm thiểu số của mình trên quyền lợi của dân tộc. Biết mình sai mà vẫn cứ làm, tội nặng hơn là làm sai mà vẫn tự tin mình đúng. Giả thiết thứ hai này có vẻ phù hợp hơn với thực tế hiện nay, nếu ta nhìn lại quá trình hành xử của Đảng và Nhà Nước trên phương diện luật pháp từ trước tới nay.
Thoạt đầu ở giai đoạn ấu trĩ luật pháp, Đảng xử dụng luật của đám đông được khích động, qua những toà án nhân dân đầy cảm tính và kịch tính trong chính sách cải cách ruộng đất. Có thể nói đây là thời kỳ luật rừng man khai, vì việc đặt ra, áp dụng, thi hành luật hoàn toàn không dựa trên cơ sở một hệ thống khách quan lô gíc, mà dựa trên ý đồ chính sách của Đảng cầm quyền, và trên cảm tính sợ hãi hay căm thù của quần chúng bị áp lực, khích động.
Dần dần, tiến bộ trưởng thành hơn, không còn màn nhân dân đấu tố man rợ, bớt đi cảnh cứ bị tình nghi có tội là đi tù vô thời hạn không cần xét xử, và cơ cấu tòa án được dàn dựng đàng hoàng hơn, các tội danh được ghi vào văn bản luật pháp. Cho tới ngày hôm nay, cơ cấu nhà nước pháp quyền tương đối rõ nét hơn nữa. Vai trò của luật sư được định chế hóa, có quy trình thời hạn điều tra, có quy trình phúc thẩm, giám đốc thẩm v.v… Tóm lại, cơ chế tổ chức và nguyên tắc luật sư tiến gần hơn đến những tiêu chuẩn pháp quyền của thế giới văn minh. Đây là những phát triển bề mặt tích cực, nhưng thực chất bên trong lại không theo kịp như thế, khiến người ta không khỏi nghĩ rằng CSVN miễn cưỡng phải từng bước đi lên con đường pháp quyền vì nhu cầu phải hội nhập vào thế giới văn minh chứ không phải chủ động tự nguyện đi lên.
Quả vậy, người ta luôn thấy những trì lực phản động cản trở tiến trình pháp quyền hóa từ CSVN, nhất là trong các vụ án liên hệ đến những người bất đồng chính kiến với Đảng. Trên thực tế, tòa án vẫn chưa phải là nơi xét xử có tội hay không, căn cứ trên luật pháp và hiến pháp. Mà là nơi để hợp thức hóa những bản án mà Đảng đã quyết định trước khi xử. Và vai trò của luật sư phần lớn để làm cảnh cho có vẻ công bình hay phần lớn để xin khoan hồng cho thân chủ, thay vì dựa vào luật pháp để bênh vực bị cáo. Trong tiến trình tranh tụng trước toà, nếu luật sư phản biện mạnh mẽ thì bị quan tòa chặn không cho cãi. Những tội danh vẫn mù mờ để cho Đảng tự tung tự tác diễn dịch trong tinh thần vừa đá bong vừa thổi còi, ví dụ như tội lợi dụng dân chủ (là thế nào?), tiết lộ bí mật quốc gia (bí mật mà dân hay ký giả biết thì không phải là bí mật nữa. Tại sao khép tội dân, trong khi tội đó là tội của người nhà nước trách nhiệm quản lý thông tin mật). Dân oan lên thành phố, trung ương, khiếu kiện về những ức hiếp của chính quyền tỉnh, xã thì bị xúc trả về để cho chính quyền địa phương cứu xét chính vụ việc mà dân đang kiện các cấp chính quyền đó, v.v…
“Cứ dùng ngay luật của nhà nước, bám vào lưng quần nhà nước mà đánh, đẩy lùi [chế độ]”
Nhưng, dù cho đó chỉ là bề mặt Pháp Quyền để che đậy thực chất ở trên, thì nó cũng đã phần nào buộc tay nhà nước. Ít nhất cũng giới hạn, không cho nhà nước công khai trắng trợn lộng hành. Từ đó, nhiều người dân cũng biết nương theo để đòi quyền lợi cho mình. Đã có những người dân đem luật quy định trên văn bản lý thuyết ra làm chỗ dựa, khiến cho các chính quyền địa phương chùn tay không dám ức hiếp, mà phải để họ yên. Sự hiểu biết nắm vững những điều luật, tuy chỉ là lý thuyết suông của nhà nước, đã khiến cho các nhà đối kháng tự tin hơn để tranh cãi, xử trí khi bị công an xách nhiễu. Như một luật sư có lý tưởng đã nói: “Cứ dùng ngay luật của nhà nước, bám vào lưng quần nhà nước mà đánh, đẩy lùi [chế độ]”. Đây là bàn đạp cho công cuộc đấu tranh bất bạo động. Lối đánh này đã tỏ ra hữu hiệu, thể hiện qua phản ứng của CSVN khi họ bắt đầu phải trở lại luật rừng.
Khi còn tự tin vào khả năng xử dụng pháp quyền của mình, CSVN đã lươn lẹo trong khuôn khổ luật pháp để trù dập đối lập. Họ vẫn núp sau luật pháp, viện dẫn luật này luật nọ, xác định tội danh (tuy mơ hồ), để trấn áp các nhà đối kháng đang đấu tranh trong luồng chế độ. Cho đến khi khó còn lý do xử dụng tội danh lợi dụng dân chủ, chống phá nhà nước, tiết lộ bí mật quốc gia,.... để cột các nhà phản kháng, họ bày ra các tội khác không liên hệ gì tới hoạt động bất đồng của người tranh đấu cho dân chủ. Ví dụ họ vô hiệu hóa blogger tự do Điếu Cầy bằng cách ép tội trốn thuế; hay vu cáo tội lừa tiền, ép tội vi phạm hành chánh, để đóng cửa văn phòng Ls Lê Trần Luật, để ông không thể biện hộ cho các giáo dân Thái Hà.
Bên cạnh đó, CSVN cũng để lộ ra rằng họ biết họ đuối lý và lo sợ mất kiểm soát, nên họ đã phải trở lại một số hành xử luật rừng bất cần công lý pháp quyền; ví dụ lôi các Ls Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân ra trước các cuộc đấu tố nhân dân (trước khi bắt giam), ném phân vào nhà ông Hoàng Minh Chính, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, bắt giam đánh đập nhà giáo Vũ Hùng, bắt cô Phạm Thanh Nghiên mà không nêu rõ tội danh, cưỡng bách chị Tạ Phong Tần ngay ngoài đường không có lý do chính đáng v.v… Quan trọng nhất gần đây, là CSVN lại quay vào tấn công ngay một định chế pháp quyền mà họ vẫn rêu rao sẽ nhắm tới thực hiện: Họ không cho luật sư thực hiện chức năng luật sư, qua việc không cho Ls Lê Trần Luật gặp thân chủ giáo dân Thái Hà của mình, bằng đủ mọi cách: họ xục xạo văn phòng luật sư, tịch thu các máy vi tính, khích động các thân chủ khiếu kiện vu khống ông lừa đảo họ (có thân chủ từ chối làm việc này), bắt ông lên “làm việc” với công an hằng ngày để cầm chân ông, phong tỏa phi trường, bến xe để chặn không cho ông ra Hà Nội tiếp xúc thân chủ giáo dân Thái Hà. Rồi cuối cùng đóng cửa luôn văn phòng Luật sư không cho hành nghề, khiến Ls Lê Trần Luật không thể biện hộ cho thân chủ mình trong ngày Phúc Thẩm.
Nếu lý thuyết Cộng Sản đi từ chế độ cộng sản nguyên thủy tự phát, rồi phát triển tới đích là chế độ cộng sản cao cấp tự giác không tưởng, thì CSVN cũng đang khởi đi từ luật rừng man khai, phát triển lên vòng trở lại gần với luật rừng cao cấp, thập thò đằng sau lớp son Pháp Quyền. Càng trở về với luật rừng, càng xa rời các nguyên tắc pháp quyền mà chính họ hô hào là điều phải, CSVN càng lộ ra sự sợ hãi, mất tự tin vào lý luận của mình, biết mình sẽ thua nếu thực hành đúng lý thuyết pháp quyền, nên cứ hành xử trái bừa, để còn bám được quyền lực trên đầu dân tộc.
Trong hàng ngũ những nhà đấu tranh cho lẽ phải đang hay từng bị bắt, có khá nhiều luật sư như: Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Quốc Quân, ....
Nhưng lần này, khi dùng luật rừng để uy hiếp và cản trở Ls Lê Trần Luật hành nghề pháp định của mình, rồi trù dập ông về mặt kinh tế, CSVN đang đi vào một cuộc thử thách lớn. Có vẻ thông điệp họ muốn nhắn gửi giới luật sư Việt Nam rằng: “Liệu hồn, đừng dùng tư cách luật sư, bám dựa vào luật để gây khó khăn cho Đảng, Đảng có thể thu hồi lại định chế pháp quyền là quyền hành nghề của luật sư bất cứ lúc nào, và hơn thế nữa có thể triệt đường làm ăn sinh sống của luật sư nào dám hành xử theo lương tâm và lý tưởng của mình.”
Nếu sự răn đe này có hiệu quả, giới luật sư Việt Nam sẽ sợ hãi, thu về tiếp tục làm cừu non, làm hoa lá cành trang điểm cho lớp son Pháp Quyền của chế độ, sống một lẽ sống tự dối mình, để đổi lại sự yên ổn bản thân. Nhưng ngược lại, sư răn đe trên có thể trở thành cái tát khích động sự trổi dậy của giới luật sư. Có nhiều cơ sở biện minh cho tình huống này.
Thứ nhất, phần lớn những người theo học ngành luật là những người lý tưởng cao, muốn bảo vệ và mang lại công lý cho đời. Nhất là khi theo ngành luật trong một chế độ mà cầm quyền sẵn sàng ngồi xổm trên luật pháp, các luật sư tất phải dự kiến được, và chấp nhận ít nhiều những chông gai mình sẽ phải đương đầu. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà trong hàng ngũ những nhà đấu tranh cho lẽ phải đang hay từng bị bắt, có khá nhiều luật sư như: Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Bắc Truyền, Trần Quốc Hiền… Trên thế giới, giới luật sư cũng từng là lực lượng tiền phong cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ, điển hình nhất gần đây tại Pakistan (Hồi Quốc): khi Tổng thống độc tài Pervez Mussharaf lạm quyền cách chức Thẩm Phán Tối Cao Mohammed Chaudhry vì ông này cương quyết giữ sự độc lập của tư pháp đối với hành pháp Pakistan, giới luật sư ý thức được sự đe dọa đối với quyền hành nghề của mình, đã đồng loạt lên tiếng phản đối, xuống đường mở ra một phong trào quần chúng đòi dân chủ đưa đến sự ra đi của Mussharaf, phục hồi lại nền dân chủ cho Pakistan một cách ôn hòa không đổ máu năm ngoái.
Thứ hai, thói luật rừng răn đe trên của nhà nước CSVN đang trực tiếp đụng đến bản sắc tư cách nghề nghiệp của giới luật sư. Đối với những luật sư bi bắt, trù dập trước kia, như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân v.v… CSVN còn tìm được những lý cớ chính trị đàn áp, không liên hệ đến nghề nghiệp của những người này. Nhưng với Ls. Lê Trần Luật, lý do của sự trù dập là chỉ vì ông đang hành xử nghề nghiệp luật sư của mình một các đúng đắn, theo lương tâm và trách nhiệm của người luật sư để biện hộ cho thân chủ của mình đang có bất đồng tranh chấp với nhà cầm quyền. Im lặng chịu khuất phục, không phản ứng bênh vực đồng nghiệp mình đã bị bất công tước đoạt quyền hành nghề, giới luật sư có thể làm mất đi uy tín của chính mình, và người dân sẽ không còn lý do gì để mà tin tưởng nhờ đến luật sư nữa, khi giới này bó tay không bênh vực nổi cho chính sự hành nghề của mình.
Thứ ba, sự giao lưu mở cửa ra bên ngoài và đi vào biển lớn thế giới của Việt Nam hiện nay đã gỡ đi rất nhiều màn bưng bít thông tin của chế độ và buộc CSVN dù muốn dù không cũng phải duy trì một bộ mặt pháp quyền, ít nhất trên lý thuyết. Điều này giúp tăng thêm tính khả thi cho nỗ lực đẩy lùi những trở lực phản động lại sự tiến hóa dân chủ, và đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy tiến trình pháp quyền hóa sang mức bất khả hồi, khiến CSVN không thể đi lùi trở lại được nữa. Chắc chắn giới luật sư Việt Nam phải thấy rõ hơn ai hết cơ hội này.
Thứ tư, thực tế đã cho thấy, ngay khi Ls Lê Trần Luật bị xách nhiễu, đã có ngay sự lên tiếng của đồng nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau, phê phán hành vi luật rừng của nhà nước, như những bài viết của Ls Lê Công Định, Ls Lê Quốc Quân, trả lời phỏng vấn của Ls Trần Lâm v.v… Và chắc chắn giới luật sư cũng thấy rằng những tiếng nói rời rạc riêng lẻ sẽ là con mồi bị tỉa dần từng con, thay phiên nhau lần lượt làm những nạn nhân Lê Trần Luật kế tiếp, nếu không có sự lên tiếng của cả bó đũa như các tập thể luật sư đoàn, để bảo vệ chính quyền lợi nghề nghiệp của mình nói riêng và nền công lý nói chung.
Người dân thường chúng ta hãy cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng tham gia hỗ trợ giới luật sư lý tưởng, để sớm giành được lại công lý cho toàn dân, biến nhà nước Pháp Quyền trong mơ hay bánh vẽ thành hiện thực cho dân tộc mình.
Đặng Vũ Chấn
(Người viết không phải là luật sư nhưng luôn ôm ấp niềm tin lớn vào lý tưởng và giá trị của giới luật gia đối với tương lai đất nước chúng ta. Rất mong được đón nghe tiếng nói của những luật gia Việt Nam đang cùng chia xẻ ước mơ này.)
Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét