Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Thư từ Ban Biên tập, 15/6/2009

Kính thưa quý bạn đọc,
Trong tuần này, chúng tôi dự tính sẽ gởi hai Bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam 2009 bằng Việt - Anh đến khoảng 10 hãng thông tấn lớn trên thế giới, trực tiếp cho các phóng viên đăng bài về việc LS Định bị bắt, để họ tham khảo xem có điều nào trong đó hoặc tương tự như vậy mà LS Định viết ra lại đáng cho ông bị bắt.

Rõ ràng LS Định bị bắt một phần quan trọng hoặc duy nhất chỉ vì ông muốn lập Tân Hiến pháp cho Việt Nam. Đây là việc ông làm rất mới, chưa từng được công bố trước ngày ông bị bắt.

Các việc khác, ông đã làm từ lâu và công khai, như các việc bào chữa cho các bị cáo vi phạm Điều 88 Luật Hình sự (oái oăm thay, nay ông bị bắt cũng chính vì Luật này), do đó nếu vì các việc khác ông từng làm thì Chính phủ Việt Nam đã bắt ông từ lâu.

Rõ ràng, phong trào thay đổi Hiến pháp Việt Nam đã làm ít ra một nhóm nào đó trong Chính phủ Việt Nam rất kinh hoàng, sợ hãi, cho việc họ tự do "làm luật, thi hành luật, giám sát luật". Hiến pháp mới cho dù do LS Định viết ra hay bản do chúng tôi thu thập ý kiến và biên tập đều không cho phép bất cứ chính phủ nào tại Việt Nam quyền hành độc đoán, độc tôn, tối thượng như vậy.

Chưa đọc bản của LS Định, nhưng chúng tôi chắc chắn ông - hoặc bất cứ luật sư có lương tâm nào trên thế giới - không bao giờ chấp nhận việc một chính phủ nào đó nắm cả Tam quyền trong tay, và hơn nữa toàn bộ truyền thông đại chúng để vừa làm luật, vừa thi hành, vừa dùng hàng ngàn phương tiện truyền thông bội nhọ những ai họ muốn đóng đinh kết tội TRƯỚC khi có bất cứ phiên tòa, ngay cả bị chính thức truy tố qua tòa án.

------------------

Xin các bạn đọc chú ý, cho đến hôm nay, LS Định chưa bị bên Tòa án - thuộc Tư pháp - truy tố, mà chỉ bị bên Công an - thuộc Hành pháp - làm nhiệm vụ vừa bắt, vừa tố cáo, và bên truyền thông - thuộc Hành pháp - đóng đinh bôi nhọ mà thôi. Rõ ràng, Hành pháp Việt Nam, thuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang lạm dụng quyền hành quá đáng.

Trong một quốc gia có dân chủ, Công an chỉ có quyền bắt người nếu có lệnh tòa án và phải giao lại ngay cho bên Tòa án thuộc Tư pháp xét xử. Đương nhiên Công an không có quyền tố cáo, nói xấu người bị bắt, và Truyền thông không có quyền lên án tập thể có tính cách đấu tố thời Trung cổ như tại Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến, 2009 năm sau Công nguyên.

Thời Chúa Giê-su bị bắt gần 2000 năm trước, quan La mã Phi-la-tô còn phải hỏi ý dân chúng Do thái - một thuộc địa - xem phải xử thế nào, và cho cơ hội dân chúng thả một trong hai người bị chính dân chúng cho là tội phạm.

Nếu chính phủ Việt Nam nói "dân làm chủ" thì họ có dám cho Trưng cầu dân ý xem nhân dân Việt Nam có muốn bỏ tù LS Định hay không, sau khi chính phủ Việt Nam trưng ra tất cả "bằng chứng tội phạm" của LS Định? Nếu không thì quả thật, chính phủ Việt Nam hành xử trong vụ này còn thua xa chế độ thực dân phong kiến La mã từ 2000 năm trước.

------------------

Trước mắt, trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ đăng tại hienphapvietnam.org Bản Dự thảo 2009 với phiên bản mới, có chút sửa đổi từ bản cũ, qua các lời đề nghị thu thập được cho đến hôm nay.

Vì việc này rất gấp, chúng tôi chỉ sẽ đăng phiên bản mới trong khoảng 2 ngày trước khi gởi đi, nên xin các bạn đọc xem xét, cho ý kiến sửa chữa, trong thời gian 2 ngày đó, để chúng tôi gởi đi vào khoảng cuối tuần 20/6/2009.

Xin quý bạn đọc trở lại website này của chúng tôi vào 1, 2 ngày tới để download hai Bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam 2009 bằng Việt - Anh ngữ. Nếu thấy có điều gì cần sửa chữa xin viết email cho chúng tôi ngay, để kịp sửa đổi và gởi đi vào cuối tuần.

Xin cảm ơn tất cả những ai yêu dân chủ, vì một quốc gia Việt Nam không còn hình sự hóa các quan điểm chính trị, không còn bạo động hóa các tranh chấp chính trị, nơi mà Ý muốn Nhân dân là điều luật cao nhất của quốc gia, nơi không một chính phủ nào có thể thu tóm Nhị quyền, nói gì tất cả Tam quyền. Một khi Tam quyền được Phân lập, các việc như thế này vĩnh viễn không bao giờ xảy ra.

Ban Biên tập Bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam 2009
hienphapvietnam@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.