Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Chúng Tôi Muốn Sống /we want to live

Phim Chúng Tôi Muốn Sống là của Cục Điện Ảnh VNCH. Những tài tử chính trong phim vẫn còn sống ở Little Sài Gòn, California .
Ông Lê Quỳnh là cha ruột của ca sỹ Ý Lan, chồng cũ của ca sỹ Thái Thanh ( bà Thái Thanh là em vợ của nhạc sỹ Phạm Duy )
Phim ảnh cũng là một phương tiện tuyên truyền, phim của nhà nước XHCN thiếu gì đoạn bôi bác VNCH.
Cuốn phim này có rất nhiều ảnh hưởng trong các gia đình người Bắc di cư năm 54 vì nó ghi lại số phận của những người bị nhà nước CSVN đấu tố, tôi chắc rằng những gia đình này lại một lần nữa di tản năm 75 cũng do tác động của phim này.
Dưới đây là bài viết của đài RFA viết về cuốn phim Chúng tôi Muốn Sống:

Phim ‘Chúng tôi muốn sống’, sử liệu về một giai đoạn tang thương của đất nước (http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/05/21/InterviewExActressMaiTram_HKPhong/)
2006.05.21

Nhà văn Hoàng Khởi Phong

Cuối chương trình là tạp chí Văn Học Nghệ Thụât do nhà văn Hoàng Khởi Phong thực hiện, kỳ này nói về cuốn phim ‘Chúng tôi muốn sống’ và phỏng vấn bà Mai Trâm, phu nhân của đạo diễn Vĩnh Noãn và cũng là tài tử chính trong phim.



Mùa hè năm 1956, là một học sinh miền Bắc di cư vào Nam, tôi háo hức theo cha tôi bước vào rạp xi nê Vĩnh Lợi, để xem phim "Chúng Tôi Muốn Sống", một cuốn phim do đạo diễn Vĩnh Noãn thực hiện với bối cảnh là cuộc chiến giữa Việt Minh và người Pháp, tại Bắc phần vào năm 1952, mà trong đó hình ảnh của tòa án nhân dân trong chiến dịch "cải cách ruộng đất", của CSVN với phương châm "trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ" là những đoạn phim ám ảnh đa số khán gia miền Nam, nhất là những người Bắc di cư đã từng nếm qua các cảnh man rợ của những cuộc đấu tố địa chủ, cường hào, ác bá trong vùng châu thổ sông Hồng.

Gần năm chục năm sau, năm 2004 cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống từ dạng phim 35 ly đã được đạo diễn Vĩnh Noãn chuyển thành hàng ngàn ấn bản DVD, được phát hành rộng rãi cùng một lúc với cuốn sách, trong cộng đồng VN hải ngoại. Chỉ vài tháng sau khi hoàn tất cuốn sách cùng ấn bản DVD của cuốn phim này, đạo diễn Vĩnh Noãn đã qua đời ở Quận Cam hưởng thọ 76 tuổi.

Để đóng góp vào loạt bài có chủ đề "Cải Cách Ruộng Đất" do đài RFA thực hiện, và được sự đồng ý của nữ tài tử Mai Trâm, vai nữ chính trong cuốn phim này, dưới đây là nguyên văn cuộc mạn đàm với tài tử Mai Trâm về cuốn phim này:

(Xin theo dõi trong phần để nghe cuộc phỏng vấn này)

Năm 2006, tôi coi lại ấn bản DVD của phim Chúng Tôi Muốn Sống tại nhà riêng ở Quận Cam. Giờ đây tôi không còn là một cậu học sinh di cư của miền Nam, mà là một người dân tị nạn sinh sống ở Hoa Kỳ. Trước khi mở máy coi lại phim Chúng Tôi Vẫn Sống, những ấn tượng của lần coi phim này lần đầu tại rạp Đại Nam nửa thế kỷ trước vẫn còn vương vấn ở trong đầu.

Tôi nhớ lại năm chục năm trước, cuốn phim đã tác động rất mạnh đến cha tôi. Ông không ngớt lời ca tụng cuốn phim với những người quen biết, ông hệt như là người quảng cáo không công cho cuốn phim này, vì gia đình tôi nếu không may mắn kẹt lại ngoài Bắc, thì có thể cha tôi cũng sẽ chịu chung cảnh đấu tố như địa chủ Long trước tòa án nhân dân trong phim.

Anh tôi thì có thể không được đối xử như Đại Đội Trưởng Vinh trong phim, vì nhân vật Vinh tuy là người có khuynh hướng quốc gia, nhưng chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh, trong khi đó ở ngoài đời anh tôi bị động viên, và trở thành một sĩ quan của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, một quân đội vừa mới được thành hình trong vài năm, và bị Cộng Sản liệt vào tội phản quốc, tay sai thực dân Pháp .

Trong bối cảnh lịch sử của những năm đầu đất nước bị qua phân, nhìn chung phim Chúng Tôi Muốn Sống không phải là một cuốn phim được thực hiện vì nhu cầu nghệ thuật, mà có thể cuốn phim này được thực hiện vì nhu cầu chính trị của miền Nam.

Bạn nghĩ gì về cuộc Cải cách Ruộng đất do đảng CSVN tiến hành, và những hậu quả của nó? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Chính vì vậy mà thành phần diễn viên chính gồm Lê Quỳnh, Mai Trâm và Thu Trang là những người chưa bao giờ diễn xuất dưới ống kính điện ảnh. Ngay cả đạo diễn Vĩnh Noãn, linh hồn của cuốn phim này tuy có được đào tạo để hoạt động trong ngành điện ảnh, song ông là một kỹ sư, một chuyên viên về âm thanh chứ không phải là đạo diễn trước đó có tay nghề.

Nửa thế kỷ trước, Chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất do người Cộng Sản thực hiện ở miền Bắc Việt Nam là một tội ác, bởi vì nói cho cùng ở Trung Hoa có thể có một giai cấp được gọi là địa chủ liên kết với nhau trên một địa bàn rộng, song ở Việt Nam những người có một chút đất đai ở mỗi làng là những cá nhân đơn lẻ của từng địa phuong, những người có một chút đất này chưa bao giờ cấu kết với nhau thành một giai cấp.

Do đó phim Chúng Tôi Muốn Sống nên được coi là một thông điệp chính trị, hơn là một sản phẩm nghệ thuật. Nếu nghĩ như vậy thì Chúng Tôi Muốn Sống quả đã thực hiện tốt được mục đích của nó: Nói lên những gì đã xẩy ra ở châu thổ sông Hồng nửa thế trước.























Không có nhận xét nào: